Lượt xem: 1546

“Noi gương oanh liệt của Khởi nghĩa Nam Bộ”

Đó là lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư gửi tới đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ nhân kỷ niệm 10 năm ngày Khởi nghĩa Nam kỳ (23-11-1951): “Noi gương oanh liệt của Khởi nghĩa Nam Bộ, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ và kháng chiến mạnh mẽ lên mãi để phá âm mưu của giặc: lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước giành độc lập và thống nhất thực sự cho Tổ quốc”(1). 

    Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Nhân cơ hội này, cuối tháng 9-1940, phát xít Nhật kéo quân vào Đông Dương, từ đây Nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng”. Căm thù thực dân Pháp, Nhân dân Nam Bộ sôi sục tranh đấu.

    Hội nghị Trung ương Ðảng tháng 11-1939 nhận định: Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; do vậy, phải đoàn kết thực hiện bằng được nhiệm vụ chính cốt là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc; quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, giai cấp yêu nước.

    Phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, liên tiếp diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, đấu tranh. Khí thế chiến đấu diễn ra hầu khắp các tỉnh Nam Kỳ.

    Từ tháng 7 đến tháng 10-1940, Ðảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp bàn chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa, thông qua Đề cương chuẩn bị bạo động; xác định hình thức chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu; vạch các chính sách đối với Nhân dân… Ðến giữa tháng 11-1940, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động Nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22-11-1940. Thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam Kỳ là lúc 0 giờ ngày 22, rạng 23-11-1940, hiệu lệnh là đèn Sài Gòn tắt hoặc có tiếng súng nổ.

Biểu tình chống Pháp năm 1945

    Tháng 11 năm 1940, Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương không thể thu hồi; một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt, Cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch. 

    Chỉ một thời gian ngắn kể từ khi Thường vụ Xứ uỷ ra Đề cương chuẩn bị bạo động, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai rất khẩn trương; các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn. Các đội tự vệ, du kích phát triển ngay trong những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như Ba Son, nhà máy đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ... Ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Các cơ sở sản xuất vũ khí làm việc suốt ngày đêm. Nhân dân quyên góp kim khí để đúc đạn; xuất hiện những cơ sở làm bom, lựu đạn xi măng, súng thô sơ… Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu “không một đồng xu, không một người lính cho đế quốc chiến tranh” ngày càng lan rộng. Công tác binh vận được tổ chức ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.

    Tuy nhiên, vì kế hoạch khởi nghĩa bị địch biết trước nên chúng lùng sục bắt bớ, giữ binh lính người Việt ở trong trại, tước vũ khí của binh lính phản chiến. 

    Theo Trần Văn Giàu: “Cuộc khởi nghĩa nổ ra đêm 23-11-1940; đó là cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ rộng lớn nhất từ sau cuộc khởi nghĩa Trương Định. Có phong trào khởi nghĩa trên 10 tỉnh; ở tỉnh Mỹ Tho có khởi nghĩa ở 54 xã (phần lớn xã trong tỉnh). Nhưng trên toàn xứ Nam Kỳ lực lượng khởi nghĩa chỉ chiếm được một huyện lỵ Vũng Liêm (Vĩnh Long). Chiến đấu vũ trang ở Mỹ Tho kéo dài đến một tháng. Sau thất bại, các lực lượng khởi nghĩa về người còn đến hàng ngàn chiến sĩ, về súng còn đến hàng trăm cây, nhưng người thì tự phân tán, súng thì bị chôn giấu. Giặc Pháp khủng bố hết sức dữ dội nhiều lần hơn Yên Bái, hơn Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Tổn thất của hàng ngũ cách mạng cực kỳ lớn chưa có sách nào ghi lại đầy đủ những chương bi kịch và anh hùng ca ấy”(2). 

Tinh thần khởi nghĩa Nam kỳ bất diệt

    Tháng 12 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) quyết định rút lui cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười. 

    Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị dập tắt. Thực dân Pháp nhân cơ hội này xử bắn nhiều đồng chí cán bộ kiên trung của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa, như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu...

    Trần Văn Giàu là người sớm tổng kết về thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ, ông cho rằng, có 5 điểm thất bại là: “Một, thời cơ chưa chín. Hai, lực lượng chưa đủ. Ba, chỉ đạo chiến đấu sai lầm. Bốn, sau thất bại không biết bảo tồn lực lượng. Năm, nhìn chung, không phải là khởi nghĩa theo đường lối Mác - Lênin. Đã không biết tiến công, lại không biết thoái thủ để bảo tổn lực lượng, chờ thời cơ khác”(3).

    Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta. Khởi nghĩa Nam Kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương”(4). Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của Nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Chính vì lẽ đó, ngày 14/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 163-SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940.

    Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa là dịp ôn lại ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước; tôn vinh và tri ân công lao, sự hy sinh to lớn của quân và dân Nam Kỳ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Qua đó cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước vượt mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế./.

Quốc Hùng

    * Tài liệu tham khảo:

    (1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.238.

    (2), (3) Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, tập III, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr.376, tr.377.

    (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 109.

    Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2020) của Ban Tuyên giáo Trung ương.

 


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 91
  • Hôm nay: 5490
  • Trong tuần: 76,197
  • Tất cả: 11,799,517